Các món ngon ngày tết của người Miền Tây
Dưới đây là các món ngon ngày tết đặc trưng của người dân Miền Tây khi mỗi độ xuân về, chúng ta cùng khám phá những nét đặc trung về ẩm thực tết của xứ sở này nhé
Những món ăn ngon sẽ giúp bữa ăn của gia đình bạn thêm ấm cúng
1. Cá lóc hấp mẻ:
Cá lóc là đặc sản tiêu biểu nhất trong số các loài cá nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Để nấu món này, bạn sử dụng cá lóc đồng mới đánh bắt, còn sống, khoảng chừng 800g tới 1kg. Cá lóc bạn sẽ không đánh vảy, cạo nhớt, không tẩm ướp gia vị trước và không mổ bụng. Cơm mẻ là chất được làm chua từ cơm nguội để lên men với một loại vi sinh vật. Cơm mẻ có một vị rất đặc trưng, đó là vị chua dịu.
Món này cũng không khó để thực hiện. Hành cọng bạn cắt thành khúc dài, sắp xuôi, hành củ thì cắ mỏng rồi lót ở dưới khay hấp. Bạn ngâm cá trong nước muối vài phút rồi rửa sạch, để lên trên bổi. Kế tiếp bạn phủ một chén cơm mẻ lên trên mình cá và để sôi với lửa liu riu. Khi thấy cá đã chín (da cá nhăn nhíu lại) thì cho ra dĩa, giẻ, banh xác cá dài ra là có thể ăn được rồi. Món này được dùng kèm với bánh tráng cuốn tép luộc cùng với khế xanh, rau thơm, xà lách, chuối chát, bún và tai heo luộc! Bạn có thể chấm với nước mắm me hoặc chút cơm mẻ dầm thêm muối ớt đều rất ngon.
Vị chua dịu nhẹ của cơm mẻ cùng mới hương thơm thịt cá thơm lừng, vị ngọt lựng của hành gốc sẽ làm bạn khó cưỡng lại được sức hấp dẫn của món ngon ngày Tết này.
2. Gỏi ốc đắng trộn bắp chuối
Ốc đắng khá phổ biến ở ĐBSCL. Bạn chỉ cần cầm theo một cái rổ thưa lội xuống kinh, rạch, mương, ao mò xúc khoảng vài giờ đồng hồ là bạn đã có vài ký ốc đắng về lấy ruột làm gỏi, hoặc kho sả ớt…
Ốc đắng sau khi bắt về rửa sạch bùn đất, cho vào thau nước vo gạo và ngâm vài tiếng đồng hồ cho ốc nhả hết cặn, nhớt và đất trong miệng ra, rồi chà rửa thật sạch, cho vào nồi luộc thêm vào ít lá sả và lá ổi cho thơm. Khoảng 10 phút sau, thấy ốc tróc mày thì vớt ra rổ, để cho ráo nước, rồi dùng một cây tăm cứng có gai nhọn lể lấy ruột ốc bỏ vào một cái tô.
Bạn cũng có thể ngâm ốc đắng vào một thau nước sạch có pha giấm nếu muốn nhanh hơn.
Bắp chuối xiêm hoặc bắp chuối hột thì bạn xắt nhuyễn ngâm trong nước có pha chanh để bắp chuối không bị đen. Sau đó, bạn vắt nhẹ bắp chuối cho ráo nước, rưới nửa chén nước giấm có vài miếng tỏi ớt đâm dập vào gỏi và nêm thêm ít gia vị như bột ngọt, đường cát, nước mắm ngon. Kế tiếp, cho ruột ốc và một ít da heo luộc xắt mỏng vào trộn đều, cuối cùng rải một ít rau thơm cắt nhỏ cùng với đậu phộng rang đâm hơi nhuyễn lên dĩa gỏi. Thật tuyệt vời nếu có thêm thịt ba chỉ luộc xắt mỏng sắp đều xung quanh.
Món này bạn chấm kèm nước mắm tỏi ớt để ăn cơm, hay nhấm nháp với chút rượu nếp ngon, bạn sẽ thú vị với hương vị đậm đà của món ăn dân dã miền sông nước ĐBSCL.
3. Cá chạch nướng: một rất hấp dẫn ở miền Tây.
Sau khi bắt cá chạch lên thì rửa sạch với nước phèn chua, rồi sắp lên dĩa. Tán nhuyễn cơm mẻ ra, cho thêm chút muối, đường và bột ngọt cho dịu bớt vị chua; ớt băm cho nhỏ rồi trộn vào cho vừa ăn là được. Rau sống gồm: đọt cóc, ngò gai, chuối chát, khế chua, mù ôm rửa sạch rối sắp ra dĩa. Sau đó chuẩn bị một bếp than hồng đỏ rực để nướng cá.
Sắp cá chạch lên vĩ nướng, khi ngửi thấy mùi thơm, da cá nhăn dúm lại, bong ra là cá đã chín, có thể chấm cơm mẻ ăn được.
Ăn cá chạch nướng được dùng chung với rau sống chấm cơm mẻ. Mùi cá nướng thơm lựng, vị beo béo của thịt cá cùng với vị chua chua, mằn mặn, ngon ngót, cay cay của cơm mẻ, nhâm nhi vài cốc rượu đế ngon thì còn gì bằng.
4. Lươn ruồng sả
Lươn ruồng sả là một trong các món ngon ngày tết rất độc đáo của người miền tây, ăn kèm món này với nước mắm cốt dừa thì rất tuyệt với.
Chọn lươn cỡ ngón chân cái người lớn trở lại, rộng vài hôm cho nhả sạch cặn, bọt, sạch ruột. Lươn để nguyên con, không mổ bụng, không cạo nhớt. Dùng chừng một nạm tay lá sả tươi lót ở dưới nồi, ơ. Sau đó cho lươn vào, chụm với lửa liu riu, đậy he hé nấp. Bị nóng, lươn sẽ tìm đường thoát và chui, luồn vào đám sả để trốn. Sức nóng của lửa cùng với lá sả bén và tinh dầu sả sẽ làm lươn khô sạch nhớt. Đến khi nào thấy da lươn nức và có màu vàng bóng là thịt lươn đã chín. Thịt lươn ngọt và thơm hơn, do lươn không bị mổ bụng và không sử dụng bất kỳ một thứ gia vị nào nên máu lươn sẽ thấm, rút hết vào thịt. Cuối cùng, gắp lươn ra dĩa có lót vài cọng sả và rau răm.
Cứ mỗi độ Xuân về, được thưởng thức các món ngon ngày Tết dân dã nhưng độc đáo của vùng ĐBSCL thì còn gì bằng. Chúc bạn ngon miệng và vui vẻ với gia đình vào dịp Tết!