Dư âm tết trong các lễ hội tháng 3
Lễ hội Tây Thiên, Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay kén rể chỉ là ba trong số hàng chục lễ hội đặc sắc và độc đáo sẽ được tổ chức vào tháng 3 này.
Dù đã hết “tháng ăn chơi” nhưng bạn vẫn có thể hòa vào không khí vui tươi, rạo rực của các lễ hội tháng 2 âm lịch (tức tháng 3 dương) dưới đây.
Hội đền Vua Bà, Bắc Ninh
Đây là lễ hội lớn nhất của thôn Viêm Xá (tức làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), nhằm thể hiện sự tri ân, biết ơn với Đức Vua Bà – người đã khai sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đền Vua Bà năm nay khai hội vào ngày 6/3 (tức 6/2 âm lịch), bắt đầu bằng màn trống hội tưng bừng, nghi thức chạy cờ… và diễn lại tích “ Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”. Tại lễ hội cũng diễn ra các hình thức hát quan họ: dưới thuyền Rồng, trong Đền Vua Bà, Đền Cùng, trên sân khấu trung tâm lễ hội, trong các gia đình…
Đến lễ hội du khách sẽ được nghe những làn điệu quan họ mượt mà.
Hội Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Thiền viện Tây Thiên là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Với danh xưng đất Phật và đất Mẫu, lại được bao bọc bởi thiên nhiên, mây trời hùng vĩ, Thiền viện quanh năm thu hút du khách đến hành hương, vãn cảnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hòa mình vào không khí lễ hội của Thiền viện Tây Thiên hãy đến đây vào rằm tháng 2 âm lịch, tức 15/3. Đặc biệt, trong mùa lễ hội năm nay, tại đây còn diễn ra các chương trình hầu đồng để phục vụ du khách.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung, Hưng Yên
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra vào ngày 10-12/2 âm lịch hàng năm ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch), huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Tại lễ hội sẽ có các sinh hoạt văn hóa đặc sắc như: lễ rước nước trên sông Hồng; các trò chơi dân gian trong phần hội như bịt mắt bắt dê, đu cây…
Hội làng Bát Tràng, Hà Nội
Được tổ chức ngày 14-16/2 âm lịch tức (14-16/3), lễ hội làng Bát Tràng là dịp tôn vinh nghề gốm truyền thống và dâng lễ lên các vị Thành hoàng làng cầu xin ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Đến với làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm những ngày này, du khách sẽ được chứng kiến các nghi lễ cúng tế trang trọng và tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn như đánh cờ tướng, cờ người, kéo co, chọi gà, bịt mắt đập niêu,… biểu diễn văn nghệ tại đình. Cũng tại đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng lãm và mua sắm các sản phẩm gốm của Bát Tràng.
Lễ hội kén rể, Hà Nội
Lễ hội kén rể làng Đường Yên là một trong những lễ hội dân gian độc đáo của huyện Đông Anh, Hà Nội. Được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch (tức 2/3), lễ hội là dịp để tưởng nhớ ngày sinh của bà Lê Hoa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng, và sự kiện bà kén người tài làm chồng sau khi thắng giặc về làng. Ngoài phần lễ, phần hội kén rể có nhiều phần chơi như: múa rối, phỗng ngồi, thi cày, thi câu ếch, thi chõng chó, thi bắt trạch… rất độc đáo và thu hút du khách tham gia.
Sau 60 năm thất truyền, lễ hội Kén rể Đường Yên được phục dựng từ năm 2001.
Lễ hội Quán Thế Âm, Đà Nẵng
Lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, 17-19/3 (tức 17-19/2 âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Đây là dịp để khơi dậy truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc, tinh thần đấu tranh quật cường dựng nước, giữ nước của dân tộc cũng như lòng từ bi hỷ xả, hướng thiện. Đến với lễ hội, du khách còn được tham gia hội hoa đăng, đua thuyền truyền thống, triển lãm thư pháp, chơi hô hát Bài Chòi và xem các màn biểu diễn võ thuật truyền thống.
Lễ hội Bà Thu Bồn, Quảng Nam
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 12/2 âm lịch tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam để tỏ lòng thành kính, biết ơn sự che chở của bà Thu Bồn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam). Ngoài phần tế lễ còn có đua thuyền, thả hoa đăng và hát bội… khiến con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của người xem từ hai bên bờ.
Lễ hội làng Rèn, Bình Định
Để nhớ ơn người khai sinh làng Rèn, cứ đến ngày 12/2 âm lịch, người Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) lại tổ chức lễ hội để quy tụ những thợ rèn ở địa phương và các vùng lân cận. Sau lễ cúng tổ và khấn nguyện quốc thái dân an là các hoạt động văn hóa sôi nổi như hát bộ truyền thống, trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm…)
Hội miếu ông Địa, TP.HCM
Đây là lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở TP HCM và Nam Bộ với các nghi thức: “gióng trống khai trang” thông báo vào lễ, “mời trầu” bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh thần về dự lễ, diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên mang nội dung phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hương thôn xưa. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 3/2 (tức 2/2 âm lịch) tại 125 đường Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp.
Lễ hội Nghinh Cô, Bà Rịa Vũng Tàu
Dinh Cô tại thị trấn Long Hải.
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ với sự kết hợp độc đáo của lễ hội Cầu ngư, tục thờ cúng Thần Biển và tín ngưỡng thờ mẫu của người dân địa phương. Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 10-12/3 (tức 10-12/2 âm lịch) tại đền Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu. Điểm hiếm thấy tại lễ hội Nghinh Cô so với các lễ hội ở đây là du khách sẽ được chứng kiến lễ phóng sinh. Thi thuyền thúng, bắt cá, bắt lươn cũng làm cho lễ hội thêm phần sôi nổi và náo nhiệt.