Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết
Người Việt Nam luôn luôn trọng lễ nghĩa. Bất kỳ lễ lạt nào đều có những nghi thức đề cao tổ tông. Ngày Tết cũng vậy, nhà nào cũng có tục lệ bày soạn mâm quả để dâng cúng tổ tiên ông bà.
Ngũ là năm (5) vì vũ trụ được tạo bởi Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong đạt được một điều gì đó.
Mâm ngũ quả ngày Tết
Đi xa hơn về căn nguyên thì “ngũ”, tức con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó tọa ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành của vũ trụ. Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5.
Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ quát vì chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), hay ngũ sắc, rồi ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật dâng cúng là quả.
Quả (trái) – biểu tượng của sung túc. Trái cây nói chung là biểu tượng của sự sung túc, dồi dào. Vì quả thường chứa nhiều hạt được đồng nhất với quả trứng vũ trụ, biểu tượng cho mọi nguồn gốc, mọi sự khởi nguyên; biểu trưng quả (với hạt bên trong của nó) biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khao khát sự bất tử-hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống miên viễn.
Theo chiều hướng này, quả bao gồm cả ý nghĩa biểu trưng vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của vạn vật: sự xen kẽ luân hồi của sự sống và cái chết; giữa cuộc sống dưới đất (của hạt giống) và cuộc sống dương thế… Trong văn hoá, cụ thể là trong văn học và nghệ thuật tạo hình, quả vừa là biểu trưng chung vừa là biểu trưng có ý nghĩa riêng – hoặc theo sự đồng âm của nó hoặc nó được xác định bởi các tình tiết văn học truyền kỳ, thần tiên…
Trong mâm ngũ quả thường thấy có Mãng Cầu, tức là cầu chúc cho mọi điều đều như ý. Có Dừa, vì lối phát âm “dừa” của người miền Nam đọc trại tương tự cho chữ “vừa”, có nghĩa là không thiếu. Có Sung, vì gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc. Và Đu Đủ, vì đó có nghĩa mang đến một năm mới được đầy đủ thịnh vượng. Ngoài ra còn có Xoài, vì âm “xoài” na ná đọc trại như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Do đó ngày Tết nhìn mâm ngũ quả còn được chen thêm nhiều loại quả khác sẽ vô cùng đẹp mắt như: dưa hấu, táo, đào tiên, quýt,…
Tục mâm quả ngày Tết là một nét đẹp đẽ của phong hóa dân tộc Việt Nam. Nó nhắc nhở cháu con luôn biết ơn và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, bộc lộ lòng ước mong một năm mới an khang, may mắn, tốt đẹp.