Vui nhất, ngon nhất – Tết thời bao cấp
Ai chẳng biết thời bao cấp là giai đoạn thiếu thốn, thèm nhạt đủ thứ, nhưng cũng chính vì thế mà ngày Tết đem lại cảm giác thỏa mãn hơn bây giờ rất nhiều.
Cách đây mấy chục năm, vào thời bao cấp khó khăn, người dân làm sao có điều kiện sắm mâm cao cỗ đầy cho ngày Tết như bây giờ được. Ấy thế nhưng thời hiện đại, nói đến chuyện ăn Tết, người ta không “nhiệt tình”, bởi quanh năm đã ăn uống no say rồi, chưa kể một loạt bữa tiệc tất niên trước đó cùng cơ quan, bè bạn, khiến họ không thấy hứng thú gì với những món làm sẵn quá quen thuộc trong ngày Tết như giò chả, canh măng… Vì là ngày Tết nên vẫn phải sắm, phải nấu, đến bữa sắp ra đầy mâm cho có không khí là chính.
Còn trong những ngày Tết thời bao cấp, người ta gắp miếng thịt, miếng giò một cách vô cùng hào hứng và vui sướng, rồi tấm tắc, đúng là cả năm được mấy ngày Tết.
Anh Thạch, 39 tuổi, quê Thái Bình, kể về hồi anh còn bé: “Vào khoảng tháng 11 âm lịch, mỗi khi tôi kêu thèm thịt, mẹ tôi lại bảo chịu khó ít bữa đi con, Tết tha hồ mà ăn. Thỉnh thoảng bữa cơm có mấy miếng thịt, tôi toàn phải nhường cho các em, chỉ được gắp một miếng. Bố tôi lại an ủi rằng nhường em một chút, Tết bố ưu tiên cho miếng gan thật to. Đối với tôi, Tết là thời điểm ước mơ biến thành hiện thực: được nghỉ học, được ăn ngon, và có khi được may cả áo mới nữa”.
Không chỉ trẻ con mới thấy thỏa mãn trong những ngày Tết. Ông Bính, 72 tuổi, sống ở Hà Đông, Hà Nội, tâm sự: “Với những nhà nghèo như nhà tôi, đến gần Tết là vợ chồng méo mặt, vì tiền đâu mua đồ ăn, tiền đâu sắm áo quần cho con. Nhưng như các cụ ta nói, dù khó đến mấy thì cũng ngày 30 Tết thịt treo trong nhà, những món cơ bản đều có đủ cả. Dù là đi vay đi mượn hoặc phải bán đi thứ gì đó nhưng kể từ khi đón giao thừa, năm mới đến, vợ chồng con cái không nghĩ đến cái sự nghèo khó đó nữa, mà chỉ vui sướng hưởng thụ cái Tết, hy vọng về tương lai”.
Ông Bính cho biết, những năm gần đây, Tết nhà ông cũng rất vui vì con cháu đông đúc, vật chất đủ đầy, nhưng cái cảm giác sung sướng náo nức “chỉ ngày Tết mới có” thì không bằng ngày xưa. Bởi bây giờ, quá nhiều nhu cầu, quá nhiều ham muốn đã được thỏa mãn trong ngày thường rồi, không phải ao ước chờ đến Tết nữa.
Trẻ con ngáp dài chờ mổ lợn
“Mẹ tôi mỗi năm chỉ nuôi một lứa lợn. Đầu năm mua con giống về nuôi, cuối năm thịt để ăn Tết. Thường là nuôi 2 con, một con bán lấy tiền mua sắm, con còn lại chung nhau mổ với mấy đồng nghiệp của bố mẹ”, anh Vinh, 38 tuổi, giáo viên tiếng Anh, hiện sống ở Hà Nội, kể về thời thơ ấu ở một tỉnh miền Trung.
Thường việc mổ lợn được tiến hành vào tờ mờ sáng 30 Tết. Đêm trước đó mấy chị em anh Vinh dặn đi dặn lại là bố mẹ nhất định phải gọi con dậy xem, và cố gắng đi ngủ sớm, nhưng náo nức quá chẳng ngủ được.
“Khoảng 4 giờ sáng, chị tôi đập dậy, tôi rên rỉ không mở nổi mắt ra, chị phải dọa là thôi kệ mày, không được xem đừng có trách. Thế là tôi tỉnh cả ngủ, lồm cồm bò dậy. Hăng hái như vậy nhưng lần nào xem người lớn cạo lông lợn, pha thịt, làm lòng, nhồi dồi, tôi cũng ngáp dài ngáp ngắn, ngủ gà ngủ gật,. Thường đến khi có món lòng lợn luộc hoặc cháo lòng thì tôi đã lại ngủ tít rồi”, Vinh kể.
Anh Long, 41 tuổi, thì khoái nhất trong màn mổ lợn là chuyện người lớn dành cho anh cái bong bóng lợn làm đồ chơi. “Đó là cái bàng quang lợn. Ông chú lấy ra, cho thêm gì đó, hình như muối hay tro tôi không nhớ, dùng chân đạp đi đạp lại, mục đích cho nó mỏng đi thì phải, rồi rửa sạch, quẳng cho tôi”.
“Tôi kiếm cái cọng rau muống già hay đọt đu đủ nhét vào, phồng mang trợn mắt thổi thật căng, chờ trời sáng hẳn rủ bọn trẻ con trong xóm đá bóng. Bong bóng lợn vừa xấu xí vừa không tròn, đá sao bằng bóng thường được, nhưng bọn trẻ chúng tôi vẫn rất thích nó, vì nó là loại bóng đặc biệt. Và nó cực bền, có khi chơi cả tháng chả rách”.
Bà Hoa, 65 tuổi, cho rằng, hồi đó để có mâm cỗ Tết, mọi người phải tự làm từ A đến Z, từ mổ lợn đến giã giò, gói và nấu bánh chưng. Nói là nghèo nhưng số món của cỗ Tết có khi còn nhiều hơn bây giờ, mỗi con lợn thôi mà cho ra nào giò lụa, giò thủ, nào thịt đông, canh bóng, giả cầy, thịt kho Tàu, canh măng hầm chân giò, thịt luộc, lòng luộc, nem, mọc, các món xào… Ấy thế nhưng các bà nội trợ không đến nỗi phải tất bật như chị em thời nay.
“Đó là vì vào thời bao cấp, người ta chỉ làm trong giờ hành chính, lại còn ăn bớt thời gian. Trưa về nhà chơi thoải mái mới thèm đến, chiều chưa hết giờ đã về, hoặc đưa việc nhà lên cơ quan làm, nhàn lắm. Đâu như phụ nữ bây giờ làm đến ngày cuối cùng của năm, ngày nào cũng căng như dây đàn từ sáng sớm đến tối mịt, nên chuyện sắm Tết, chuẩn bị Tết toàn phải tranh thủ, thành ra quá tải. Nhiều người nghĩ đến Tết chỉ thấy chuỗi ngày mệt phờ, kiệt sức chứ chẳng vui thú gì. Thời tôi còn trẻ, công việc chẳng áp lực như vậy nên thời gian chuẩn bị Tết cực kỳ vui”.
Xé sách vở làm pháo Tết
Với anh Hùng, 42 tuổi, cái đáng nhớ nhất trong những ngày Tết thời bao cấp là việc tự sản xuất pháo. Hồi đó việc đốt pháo nổ chưa bị cấm, pháo là thứ không thể thiếu trong ngày Tết.
“Thường thì trước Tết cả tháng, anh em tôi ríu rít hỏi dò bố rằng năm nay nhà mình mua mấy phong pháo, to hay nhỏ, có được mua thêm mấy quả pháo đùng cho nó oách không. Để dụ bố, chúng tôi toàn giả vờ kể với bố là nhà thằng A, thằng B mua nhiều pháo lắm. Cuối cùng thì năm nào chúng tôi cũng có 3 phong pháo, một đốt lúc giao thừa, một khi cúng sáng mồng một là phong cuối cùng đốt vào mùng 2 lúc tiễn các cụ đi, hơn kém nhau chỉ ở chỗ tràng pháo dài hay ngắn mà thôi”, Hùng nói.
Năm học lớp 4, Hùng thấy anh hàng xóm tự cuốn pháo để nổ Tết, bèn nằng nặc xin anh ta dạy cách làm. “Không hiểu sao tôi vẫn biết đây là chuyện bố mẹ không đồng ý nên giấu biệt các cụ. Tôi dụ thằng em nộp hết tiền nó được cho, gộp với tiền tôi bán đồng nát, để mua thuốc pháo và ngòi pháo. Giấy cuốn thì tôi chỉ việc lôi sách vở cũ ra là đủ. Không có nhiều tiền mua thuốc nên năm ấy tôi chỉ làm được vài chục quả pháo đùng loại vừa, bố hỏi thì tôi bảo anh hàng xóm cho. Không ngờ tác phẩm đầu tay của tôi nổ giòn giã. Hai anh em sướng mê tơi”.
Thừa thắng xông lên, mấy năm sau Hùng lại cuốn pháo. Anh dành dụm tiền từ rất sớm. Số quả pháo và kích thước của chúng tăng đều mỗi năm, đến nỗi không thể nói dối là ai cho được nữa. Hùng bảo với bố là anh mua bằng tiền bán sắt vụn. Thế nhưng đến năm thứ tư, bố biết được trò “ám muội” của cậu con trai khi phát hiện ra sách giáo khoa của năm ngoái, lẽ ra phải giữ để cho em năm sau dùng lại, đã bị cậu quý tử “tiêu thụ” sạch.
Hùng bị một trận đòn thừa sống thiếu chết, toàn bộ pháo bị tịch thu tiêu hủy cho nhớ đời. Anh cho biết trong suốt tuổi thơ, đó là lần anh thấy đau đớn nhất, không phải vì ăn đòn mà vì bao nhiêu “của nả trân quý” đội nón ra đi. “Phải nói là ruột đau như xé, biết mình sai nhưng vẫn hận ông già đến hết tháng giêng mới nguôi được”, Hùng cười nói.
Từ lần đó, Hùng bị cấm tiệt chuyện sản xuất pháo. Sau này, anh cũng thấy hú hồn vì biết rằng rất nhiều sinh mạng đã bị thuốc nổ cướp đi khi làm pháo, và chuyện pháo nổ bị cấm tuy có gây nuối tiếc nhưng Hùng cho rằng đó là quyết định cực kỳ đúng đắn. “Cũng vì đã lâu rồi Tết không gắn với pháo nên với tôi, mùi khói pháo thơm nồng, tiếng pháo giòn đanh, hình ảnh xác pháo hồng rải đầy mặt đất đã trở thành ‘thương hiệu’ của những cái Tết thời bao cấp, cứ nghĩ đến là lòng nôn nao”.