Hàng Tết Nặng Nhiều Nỗi Lo Toan

    Việc chuẩn bị hàng tết sớm hơn mọi năm được doanh nghiệp lý giải nhằm tận dụng hết cơ hội mua sắm cuối năm, vớt vát lại một năm kinh doanh đầy khó khăn…

hang tetHàng tết nặng nhiều nỗi lo toan

Giữa tháng 10.2013, nhà sản xuất bánh kẹo thuộc hàng lớn nhất thị trường nội địa hiện nay là Bibica công bố kế hoạch chuẩn bị hàng tết Giáp Ngọ 2014. Để chuẩn bị tung hàng tết ra thị trường trong một vài tuần tới, Bibica chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, huy động 100% công suất của các dây chuyền sản xuất bánh kẹo tết và dự kiến cuối tháng 11, hơn 1.250 tấn hàng tết, tăng khoảng 10% so với năm ngoái sẽ có mặt trên tất cả các điểm bán trên toàn quốc.

Chạy trước hàng ngoại nhập

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, phó tổng giám đốc Bibica, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bánh kẹo nội địa đối mặt mùa hàng tết năm nay là việc phải cạnh tranh với các loại hàng nhập khẩu không rõ chất lượng, hạn dùng từ các nước, nhiều nhất từ Malaysia có giá khá rẻ. Ngoài ra, một số dòng bánh cao cấp công bố là nhập khẩu từ châu Âu, nhưng thực chất là sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam, nhưng được bán với giá rất cao.

“Một số loại bánh cao cấp của ngoại nhập đã qua hạn sử dụng 12 – 18 tháng (chỉ còn 6 – 12 tháng sử dụng) được đưa về Việt Nam để thay đổi bao bì, bán với giá rẻ hơn 20 – 40% giá sản phẩm mới cũng gây ngộ nhận cho người tiêu dùng”, ông Hoàng nói.

Nhiều năm trở lại đây, cuộc chiến trong lĩnh vực bánh kẹo là cuộc chiến không cân sức giữa hàng nội với hàng nhập ngoại. Theo các chuyên gia, dù sao hàng nội cũng chỉ được sản xuất trên nền tảng tiềm lực tài chính, giá trị thương hiệu chưa cao, cộng thêm tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng nên thường gặp trở ngại khá lớn trên chính sân nhà, nhất là ở phân khúc cao cấp trong dịp tết.

Do đó, với Bibica, ông Hoàng nói một mặt phải thay đổi mẫu mã bao bì, tăng khả năng cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, còn phải tranh thủ chiếm lĩnh thị trường từ rất sớm, trước khi hàng ngoại được nhập về.

hang-tet-large

Nỗi ám ảnh mang tên sức mua kém

Với các doanh nghiệp thực phẩm chế biến, tình hình cạnh tranh với hàng ngoại nhập có vẻ ít căng thẳng hơn, nhưng như vậy không có nghĩa là mối lo ít đi. Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan thừa nhận mặc dù chuẩn bị tới 600 tỉ đồng hàng tết, tăng 20% so với năm ngoái, nhưng khả năng “đẩy” hết được số thực phẩm khổng lồ này trong điều kiện sức mua còn yếu là bài toán nan giải.

Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Saigon Food, cũng nói các năm trước, sức mua tháng tết cao hơn tháng bình thường từ 50 – 80% nhưng năm nay Saigon Food cũng chỉ dám chuẩn bị lượng hàng thành phẩm nhiều hơn tết năm trước khoảng 10%, khoảng 500 tấn và thực hiện giải pháp vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh chứ không sản xuất đón đầu tràn lan.

“Tôi nghĩ kinh tế vẫn còn khó khăn lắm, thu nhập của người dân chưa cải thiện nên họ vẫn phải chi tiêu dè xẻn nên chúng ta đừng mong nhiều sẽ có đợt phóng tay chi tiêu trong dịp tết”, bà Lâm nói.

Giá sẽ khó tăng?

Đến thời điểm này chưa có cơ quan nào công bố số liệu nguồn cung thực phẩm cho tết năm nay, riêng chỉ có hội Chăn nuôi Việt Nam thống kê lượng thức ăn sử dụng trong chăn nuôi chỉ tăng khoảng 5% so với mức 10,5% của năm ngoái.

Theo cách tính tổng đàn chăn nuôi, tỷ lệ thức ăn thường tỷ lệ thuận với sản lượng thịt nên nhìn vào con số này cũng có thể suy ra nguồn thực phẩm năm nay chỉ tăng khoảng 5%. Nếu so với nhu cầu tăng trung bình xấp xỉ 10% như cách tính của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì có vẻ như nguồn cung bị thiếu.

Tuy nhiên, thực tế giá cả hầu hết các loại thực phẩm trên thị trường đến thời điểm hiện nay chỉ mới tăng khoảng 10% so với hồi thấp điểm cách nay hai tháng. Mức này, theo ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch hội Chăn nuôi Việt Nam, là chưa tương xứng với một ngành kinh doanh thường có rủi ro cao như chăn nuôi.

Do đó, ông Vang nhận định nhiều khả năng giá thực phẩm dịp tết sẽ tăng thêm ít nhất 5% so với hiện nay. “Nguồn cung không thiếu nhưng sẽ ít có khả năng dư thừa. Việc giá thực phẩm có thể tăng thêm chút đỉnh cũng chỉ là cho phù hợp với chi phí và rủi ro mà nông dân phải bỏ ra thôi”, ông Vang nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chuẩn bị hàng tết lại khẳng định chắc chắn sẽ không tăng giá mà ngược lại còn cố gắng khuyến mãi, giảm giá để kích thích tiêu dùng. Doanh nghiệp cho rằng cơ sở để giữ giá hàng tết là việc họ chuẩn bị được nguồn nguyên liệu ổn định từ khá sớm, cộng thêm kế hoạch tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động.

Như ở Vissan, ông Văn Đức Mười cho biết, công ty ký hợp đồng chăn nuôi với các hộ dân, trang trại nên đến thời điểm này nguồn cung đã có sẳn với chất lượng ổn định. Bà Lê Thị Thanh Lâm, đại diện Saigon Food cũng cho biết mặc dù năm nay nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá tăng cao, chi phí khác cũng tăng nhưng công ty cố gắng kìm giá. “Năm nay Saigon Food chỉ tăng giá một lần hồi đầu tháng 10, trung bình khoảng 5% và giữ nguyên đến tết Nguyên đán”, bà Lâm khẳng định.

Ngoài kế hoạch như đã nêu, việc nhận định sức tiêu thụ khó xảy ra đột biến cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám mạnh tay “đẩy” giá hàng tết, cho dù chi phí đầu vào năm nay theo thống kê đã tăng không dưới 10%.

Nhìn từ tín hiệu thị trường bánh kẹo, một số nhà sản xuất còn đưa ra phân tích xu hướng tiêu dùng bánh kẹo tết đang có sự thay đổi theo hướng giảm lượng tăng chất. Thay vì mua nhiều như trước đây, nay người tiêu dùng mua ít nhưng chọn sản phẩm chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn, hàng cao cấp hơn nên doanh nghiệp phải điều chỉnh để thích nghi thị trường.

Ngoài ra, do cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu nên bánh kẹo nội muốn tồn tại cũng phải giữ giá bán phù hợp. “Nhìn chung, giá bán các sản phẩm tết Bibica 2014 không tăng nhiều, chỉ từ 5 – 10% tuỳ loại, khoảng 30% sản phẩm giữ nguyên giá của năm 2013”, ông Hoàng nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *