Tin tức

Những làng bánh miền Tây tất bật kiếm tiền mùa Tết

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, bánh tét Năm Hòa, bánh phồng Phú Mỹ, nem Lai Vung… ngày cận Tết tất bật nổi lửa để chạy kịp đơn hàng.

12

Làng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) có nghề bánh tráng truyền thống đã hơn 30 năm nay.

11

Ở đây có khoảng 40 lò bánh tráng, hoạt động liên tục suốt năm, cung cấp cho khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với 3 nguyên liệu chính: bột gạo, muối, đường, bánh tráng ở đây gồm 4 loại: Bánh tráng trắng (nhúng), bánh tráng dẻo (mặn), bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa.

13

Mùa bánh tráng Tết thường bắt đầu từ cuối tháng 11 và kết thúc vào khoảng 27, 28 tháng Chạp. Vì thế, làng bánh tráng Thuận Hưng vào những ngày này cường độ làm việc tăng gấp 4 – 5 lần so với bình thường, với giá bán từ 35.000 – 150.000 đồng/100 bánh.

14

Chị Thái Thị Lệ Hồng, chủ lò bánh Bé Hai nói: “Lượng đơn đặt hàng năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đây là một tin vui cho bánh tráng Thuận Hưng. Mỗi ngày, chúng tôi dậy từ 2, 3 giờ sáng làm việc đến 3, 4 giờ chiều mà vẫn không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng”.

1

Ở thành phố Cần Thơ, bánh tét lá cẩm là một đặc sản khá nổi tiếng.

3

Bởi ngoài những nguyên liệu và cách nấu như bánh tét truyền thống, trong quá trình trộn nếp, bánh tét được trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu tím nhẹ, bánh khi chín rất bắt mắt.

10

Các cơ sở gói bánh đang chạy hết tốc lực cho kịp đơn hàng. Giá nhân công huy động để gói bánh vì thế cũng tăng cao, với trên 150.000 đồng/người/ngày. Tết năm nay, bánh tét lá cẩm được bán từ 30.000 – 100.000 đồng/đòn tùy trọng lượng, tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/đòn so với năm ngoái.

7

Làng bánh phồng Phú Mỹ, ở huyện Phú Tân – An Giang cũng đang rộn ràng “tăng ca” để kịp ra sản phẩm phục vụ thị trường Tết.

12

Theo nhiều cụ cao niên ở đây, từ khi người dân biết trồng nếp thì cái bánh phồng cũng bắt đầu xuất hiện, đến nay đã gần 100 năm.

5

Chị Hà Thị Sen, người đã có mấy chục năm gắn bó với nghề làm bánh phồng cho biết: “Bánh phồng Phú Tân bây giờ không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh, thành phố khác, kể cả nước bạn Campuchia. Làm loại bánh này không đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao, nhưng cần ở lòng yêu nghề, thiết tha với loại bánh mộc mạc, dân dã”.

2

Cũng như các làng bánh, làng sản xuất nem Lai Vung, Đồng Tháp đang vào mùa cao điểm để phục vục phụ thị trường Tết.

4

Theo chủ cơ sở sản xuất nem Út Thẳng ở ấp Long Thành A, xã Long Hậu: “Trung bình mỗi ngày cơ sở bán ra từ 8.000 – 14.000 chiếc nem, tăng gấp đôi so với ngày thường. Để sản xuất đủ lượng nem cung cấp cho khách hàng, cơ sở phải tăng gấp đôi số lượng công nhân, trang bị thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

9

Cũng không kém phần sôi động trong những ngày cận Tết là không khí làm việc tại làng hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), sản phẩm chính của món hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng.

8

Để cung ứng đủ nhu cầu cho thị trường, người dân trong làng những ngày này phải bắt đầu làm việc từ 2 – 3 giờ sáng. Trước đó, gạo được ngâm một ngày đêm để hạt nở đều, rồi xay thành bột gạo. Để tạo độ dẻo cho sợi hủ tiếu, người ta hòa một lượng bột mì vào bột gạo theo tỷ lệ nhất định rồi khuấy đều. Sau đó, hỗn hợp này được bơm lên máy hấp, hấp chín trong vòng từ 2 đến 3 phút rồi đổ ra khuôn, tạo thành từng tấm bánh hủ tiếu to, dài, nóng hổi. Giá mỗi kg hủ tiếu Mỹ Tho ngày thường là 14.000 đồng, Tết có nhích lên từ 500-700 đồng/kg. Mỗi ngày làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho cung ứng ra thị trường 8-20 tấn hủ tiếu các loại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *