Tin tức

Những món ăn thú vị trong ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ có từ khi nào và người Việt ăn gì trong những ngày này? Đó là những điều không hẳn ai cũng biết.
Đã từ lâu, Tết Đoan Ngọ và việc “giết sâu bọ” đã trở thành truyền thống và phong tục của người Việt. Hàng năm cứ đến ngày này, nhà nhà lại chuẩn bị những món ăn, hoa quả, bánh trái để “giết sâu bọ”. Nhưng ít ai để ý rằng, Tết Đoan vì sao mà có, và có từ khi nào?

Tết Đoan Ngọ có từ khi nào?

Người xưa kể rằng, tại Trung Quốc, vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị trung thần-đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Như vậy, theo truyền thuyết trên thì mùng 5 tháng 5 có nguồn gốc từ văn hoá Trung Hoa. Và dần dần, do ảnh hưởng nền văn hóa của nước lân cận này mà Tết Đoan Ngọ cũng trở thành ngày lễ, Tết truyền thống của một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc nhưng được lai căng và biến thể.

Chữ Đoan Ngọ cũng được giải thích hết sức lý thú. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày Hạ Chí. Thời gian này khí dương đang thịnh nhất trong năm.

1-54

Mận là một trong những loại quả không thể thiếu trong ngày Tết “giết sâu bọ”.

Ở Việt Nam, ngày này được Việt hóa thành ngày Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên. Theo tục lệ, vào ngày này mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.

Sự Việt hóa và biến thể của Tết Đoan Ngọ vô cùng ý nghĩa, ít nhất là về mặt tinh thần và trở thành nét đẹp của văn hóa tâm linh của người dân đất nước nông nghiệp nhiều cây trái.

Người Việt ăn gì vào ngày này?

Ở Việt Nam, ngày này được Việt hóa thành ngày Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên vào lúc quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái với mong muốn sẽ có một mùa bội thu. Vì vậy hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra, còn những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.

Bánh tro

Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của Miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như bánh ú, bánh gio, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo điệu phương. Bánh tro (gio) được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Ông cha ta từ xưa quan niệm, tháng 5 âm lịch là lúc “độc trời” nhất trong năm, vì mùa hè oi bức, dễ sinh bệnh dịch, cho nên các món ăn chế biến cần có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ, tác dụng là cho dễ tiêu, giải nhiệt.

2-48

Bánh tro (gio) được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết.
Chiếc bánh nhỏ xíu, thuôn dài hoặc hình chóp tam giác (tùy nơi gói) trông thế thôi nhưng không phải dễ làm. Bánh tro có cả loại có nhân (nhân ngọt hoặc nhân mặn) và không nhân. Người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng cho mọi người thưởng thức. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.

Cơm rượu nếp

Cũng như bánh tro, cơm rượu nếp được bán rất nhiều trong Tết Đoan Ngọ ở các hàng quán ngoài chợ và trên cả những gánh hàng rong nặng trĩu. Chỉ cần ngửi mùi cơm rượu thôi cũng đã đủ lâng lâng, ngây ngất bởi cái mùi thơm nồng, bởi mùi men cay khiến ta phải mê mẩn.

Cơm nếp dễ nấu nhưng để biến hóa nó thành thứ cơm rượu vừa ngon lại vừa “giết sâu bọ” được cần phải có một loại men rượu đặc biệt. Nếu chọn phải loại men không ngon, không đạt chất lượng chắc chắn cơm rượu sẽ bị sượng, không ngấm và sẽ chẳng có vị vừa thơm thơm, ngòn ngọt, cay cay, tê nồng nơi đầu lưỡi khi cho từng thìa vào miệng để thưởng thức.

3-28

Và với người Hà Nội, thì hương thơm phảng phất của thứ men lâng lâng, say đắm lòng người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng từ cơm rượu nếp là không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ này.
Ngoài ra, gạo ngon, nhiệt độ ủ, thời gian ủ cơm và cách ủ cũng là những thành tố rất quan trọng tạo nên sự đặc sắc của món cơm rượu. Cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn lại khác hoàn toàn với thứ cơm rượu rời của người Bắc. Nhưng tựu chung lại, hương vị thơm ngon và hấp dẫn của món cơm rượu theo từng miền chẳng khác nhau là mấy.

Và với người Hà Nội, thì hương thơm phảng phất của thứ men lâng lâng, say đắm lòng người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng từ cơm rượu nếp là không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ này.

Hoa quả

Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa là vật phẩm không thể thiếu để người Việt thắp hương và thưởng thức.

4-24

Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa là vật phẩm không thể thiếu để người Việt thắp hương và thưởng thức trong Tết “giết sâu bọ”.
Hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức. Đó là những trái mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu,… Đặc biệt là mận, vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.

Hoa quả hè được bán rất nhiều ở các chợ trong những ngày này, tuy nhiên cần phải lựa chọn thật kỹ để có được những trái tươi ngon, đạt chất lượng.

Thịt vịt

Người ta chỉ quen với những cái tên như bánh tro, cơm rượu nếp, mận, đào… mà ít ai biết rằng trong ngày lễ giết sâu bọ ở nhiều địa phương của miền Trung, người ta lại ăn thịt vịt. Họ quan niệm, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó tiết canh vịt là phổ biến nhất.

5-19

Trong ngày lễ “giết sâu bọ” ở nhiều địa phương của miền Trung, người ta ăn thịt.

Những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ, các chợ của miền này thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống. Có một số địa phương ở các vùng khác, tục ăn vịt cũng được lưu truyền.

Như vậy, cứ đến Tết Đoan Ngọ, ở Việt Nam, những món ăn để “giết sâu bọ” rất phong phú, đa dạng theo mỗi vùng miền. Nhưng dù là món ăn nào, trái cây gì, người Việt vẫn luôn hướng tới và duy trì một nét đẹp văn hóa, một thứ nét đẹp tâm linh đã trở thành truyền thống từ bao đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *