Văn hóa Tết Việt

Phong tục trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam

Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ…. Từ già đến trẻ ai cũng biết, ngày tết trong nhà ít nhất cũng phải có cành hoa, bánh chưng, chai rượu…

1. Tống cựu nghinh tân

 Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, cùng hàng xóm vệ sinh nhà thờ, đường xóm, tắm giặt, mua sắm quần áo mới và mọi thứ thức ăn, vận dụng trong ngày tết.

Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi, không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau…. Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xuý xoá hết, tất cả mọi người dù lạ dù quen, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

2. Lễ rước vong linh ông bà

Chiều 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các thức ăn và trái cây được xếp thành mâm cỗ để dâng lên bàn thờ. Đây là dịp cả gia đình quây quần tưởng nhớ đến vong linh ông, bà, tổ tiên… và cùng nhau kể chuyện năm cũ, ước nguyện năm mới.

3. Xông nhà (hay “xông đất”)

Người Việt ta có tục xông nhà rất thú vị. Đầu năm mới mà người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm đó. Vì thế, những ai “nặng vía” thì phải chú ý vì nếu lỡ đến nhà ai sớm, mà trong năm đó người ta gặp chuyện gì không may sẽ “đổ” tại mình “vía không tốt”. Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người nào “nhẹ vía” và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ.

Đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ra ít khách, không ai dám đi đến nhà khác sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình “nặng vía”, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

4. Hái lộc

Sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự “rước lộc”. Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

5. Chúc thọ, chúc Tết

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm làng giềng, bạn bè thân thích, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Người nào thích điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất, luôn hướng tới sự tốt lành và kiêng nói tới những điều rủi ro hoặc xấu xa.

Chúc thọ của người Việt trong ngày đầu năm mới thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử. Đó là dịp để mỗi người con, người cháu bày tỏ tình cảm, lòng hiếu thảo, kính yêu đến ông bà, cha mẹ và những người xung quanh.

Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phát tài tài phát lộc… Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

6. Lì xì

“Lì xì” nguyên là chữ “lợi thị” (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Ông bà cha mẹ sẽ chuẩn bị một ít tiền cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng trông rất bắt mắt để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và dành những lời chúc hay nhất đến bọn trẻ như hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn…

7. Quà tết, lễ tết

Đi chúc Tết kèm theo những món quà, giỏ quà là điều vô cùng quý, đặc biệt là những ngày trước Tết. Bởi dù to hay nhỏ món quà ấy đều thể hiện mối ân tình, sự biết ơn và tôn kính.

Các cụ ngày xưa đã có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, vì vậy chúng ta không nên lạm dụng quà Tết, lễ Tết để thể hiện “cho được” tình cảm của mình với người thân, bạn bè, làng xóm… Tình cảm phải thực từ tâm, những lời chúc ý nghĩa, ly rượu thơm nồng chan chứa tình cảm, cái bắt tay hay vòng tay siết chặt… tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cổ truyền dân tộc.

8. Khai nghề

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sẽ khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở cửa hàng lấy ngày. Sau ngày mồng Một, tất cả “ Tứ dân bách nghệ” đều chọn ngày “khai nghề”, nếu mồng Một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu, riêng khai bút thì giao thừa xong chọn giờ hoàng đạo thì bắt đầu.

Mùng 1 Tết (10/2, chủ nhật, Đinh Mùi): Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Đông.

Mùng 2 Tết (11/2, thứ 2, Mậu Thân): Không lợi xuất hành, mở hàng. Có thể đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Bắc (Tài thần).

Mùng 3 Tết (12/2, thứ 3, Kỷ Dậu): Không lợi xuất hành, mở hàng. Có thể đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Nam (Tài thần).

Mùng 4 Tết (13/2, thứ tư, Canh Tuất): Không lợi xuất hành. Có thể mở hàng, đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Tây Nam (Tài thần).

Mùng 5 Tết (14/2, thứ 5, Tân Hợi): Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Tây Nam (Tài thần).

Mùng 6 Tết (15/2, thứ 6, Nhâm Tý): Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Tây.

Mùng 7 Tết (16/2, thứ 7, Quý Sửu): Không lợi xuất hành, mở hàng. Có thể đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Tây (Tài thần).

Mùng 8 Tết (17/2, chủ nhật, Giáp Dần): Không lợi xuất hành, đi lễ. Có thể mở hàng. Nếu cần xuất hành chọn hướng Đông Nam (Tài thần).

Mùng 9 Tết (18/2, thứ 2, ất Mão): Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Đông Nam (Tài thần).

Mùng 10 Tết (19/2, thứ 3, Bính Thìn): Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Đông.

Qua liệt kê ở trên có thể thấy:

Ngày tốt cho xuất hành, gặp mặt đầu năm: mùng 1 (10/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2).

Ngày tốt cho mở hàng, giao dịch ký kết đầu năm: Mùng 1 (10/2), mùng 4 (13/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 8 (17/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2). Ngày tốt mở hàng nhiều, báo hiệu sự khởi sắc của nền kinh tế, tuy chưa rõ rệt.

Ngày tốt cho cúng tế, đi lễ đầu năm: Mùng 1 (10/2), mùng 2 (11/2), mùng 3 (12/2), mùng 4 (13/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 7 (16/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2).

9. Kiêng không hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết

Tục này nguyên từ bên Tàu, trong “ Sưu thần kỳ” có chuyện người lái buôn tên là Ân Minh được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu lên. Một hôm nhân ngày mồng Một tết, Ân Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Ân Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hốt rác ngày tết, ta bắt chước và đến nay vẫn nhiều người theo tục này.

10. Cúng giao thừa ngoài trời

Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả… ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành.

11. Mâm ngũ quả

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả cúng gia tiên. Ngũ quả – thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trụ trong quan niệm của Khổng giáo.

Ngoài ra, ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa. Để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Mâm ngũ quả ngày Tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp tới. Mỗi loại quả được lựa chọn để sắp xếp trong mâm ngũ quả đều mang những ý nghĩa riêng nhất định:

Lê (hay mật phụ): vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: thể hiện sự thăng tiến.

Mai: hạnh phúc, không cô đơn.

Quả phật thủ giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che cho các số phận con người.

Táo: có nghĩa là phú quý.

Hồng, quýt: tượng trưng cho sự thành đạt.

Thanh long (rồng mây hội tụ) thể hiện sự phát tài phát lộc.

Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Nải chuối như bàn tay ngửa: hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

Quả trứng gà như hình đào tiên: lộc trời.

Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.

Đu đủ mang đến sự thịnh vượng đủ đầy.

Xoài có âm na ná như “xài”, để cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Gọi là ngũ quả nhưng thật ra, việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng. Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần để “thiết kế” nên mâm ngũ quả.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chin vàng nổi bật.

Những quả chin đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng, hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.

Mâm ngũ quả miền Trung

Nơi khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, lại thêm thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân quê không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.

Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Rất phong phú!

Mâm ngũ quả miền Nam

Khác với người miền Bắc, người dân Nam Bộ có phần cầu kỳ hơn trong khâu chọn lựa những loại quả sẽ xuất hiện trong mâm ngũ quả cúng gia tiên. Do cách phát âm gần giống với từ “chúi” (thể hiện sự nguy khó) nên chuối là thứ quả không bao giờ xuất hiện. Cũng bởi câu nói: “Cam làm quýt chịu” nên người Nam không bày những trái cam óng ả vui mắt như người Bắc.

Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

Ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành thập quả, tuy vậy, cái tên gọi: “ngũ quả” đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời. Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp và rực rỡ.

Nó thể hiện sinh động cho ý tưởng, triết lý – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *