4 loại bánh chưng ngon lạ ngày tết
Để bánh chưng hấp dẫn hơn, đã có rất nhiều ‘khúc biến tấu’ ngon và lạ ra đời.
Bánh chưng truyền thống và phổ biến thường là bánh mặn, được gói bằng gạo nếp, nhân là đỗ xanh đồ chín, thịt mỡ ướp với hạt tiêu, nước mắm… Nếu như ngày xưa, nhà nhà gói bánh chưng và đây cũng chính là món ăn chính trong mâm cơm ngày tết, thì bây giờ, khi có nhiều món ngon khác, món bánh chưng hay bị ế. Do đó, để món bánh này hấp dẫn hơn, lạ hơn, ở mỗi địa phương và tùy sáng tạo của người làm bánh, đã có rất nhiều “khúc biến tấu” ngon và lạ của bánh chưng ra đời.
1. Bánh chưng gấc đỏ làng Tranh Khúc
Bên cạnh chiếc bánh chưng xanh, làng Tranh Khúc còn làm thêm bánh chưng gấc đỏ. Về cơ bản, bánh chưng gấc có vỏ ngoài vẫn là màu xanh truyền thống, nhưng bên trong là màu đỏ au rất đẹp, thơm ngầy ngậy vị gấc. Nhân bánh chưng vẫn là đỏ xanh nhưng trộn thêm đường, vẫn có thịt lợn nhưng nạc nhiều hơn mỡ.
Thực ra, bánh chưng gấc không phải là một sáng kiến mới của người làng Tranh Khúc, từ xa xưa, bánh chưng gấc đã rất quen thuộc trong mâm tết của người Việt. Nhưng không hiểu sao, theo thời gian, bánh chưng gấc dần dần biến mất. Người làm bánh chưng ở làng Tranh Khúc lý giải có thể do nhân bánh ngọt, khó bảo quản nên mọi người không ưa làm.
Tuy nhiên, sự trở lại của bánh chưng đỏ thời gian gần đây lại được nhiều người đón nhận nồng nhiệt như một món ăn mới lạ đẹp mắt, nhìn như xôi gấc nhưng lại dẻo, nhuyễn của bánh chưng.
2. Bánh chưng cẩm Lạng Sơn
Đây là món bánh chưng truyền thống của người Tày ở huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Hình dáng chiếc bánh này rất giống bánh tét ở miền Nam được theo hình trụ. Điểm độc đáo của món bánh này chính là màu đen của bánh. Đó là một màu đen tím như hạt nếp cẩm nhưng lại rất mềm và dẻo, vị thanh mát. Vào tháng 10 âm lịch, khi gặt vụ mùa xong, người Tày tỉ mẩn chọn từng cọng rơm nếp to, mọng, vàng đem về rửa sạch bằng dòng nước suối tinh khiết chảy từ trong khe núi.
Sau đó, phơi khô và đem đốt thành tro, vò mịn, dùng miếng vải xô rây lấy phần mịn nhất của tro. Gạo nếp sau khi được vo sạch sẽ được trộn cùng với tro mịn từ gốc rơm, rạ sao cho những hạt nếp tròn mây mẩy được bao bọc bởi màu đen của tro. Nhân của món bánh này cũng thật khác lạ, người Tày trộn thêm cả hành vào nhân thịt mỡ cùng với hạt tiêu vỡ bọc ngoài là đậu xanh. Lá để gói bánh chưng cẩm là những chiếc lá dong rừng bánh tẻ khổ nhỏ có màu xanh đậm.
Chiếc bánh được gói thành hình trụ dài khoảng 30 cm, đường kính độ 7 cm, dùng lạt dài cuốn quanh cho chặt rồi được nấu bằng những cây củi đượm lửa nên có hương vị thơm ngon rất đặc trưng.
Bánh chưng cẩm có hương vị rất riêng khi có vị thanh mát đặc trưng do chính tro mất “khử” vị chua, độ nóng của gạo nếp tạo nên. Vì vậy, mới ngạc nhiên khi khách thập phương tới với Bắc Sơn có thể ăn veo veo cả chiếc bánh chưng to đùng mà không bị nóng cổ, nóng bụng.
3. Bánh chưng cốm thơm ngất ngây
Khi cắt bánh chưng ra, người ta thấy ngay một tổng thể 5 màu sắc thật hấp dẫn: màu vàng ngà của nhân đậu bùi thoảng hương thơm, màu đỏ hồng của thịt heo chín, màu trắng thấp thoáng của nếp dẻo thơm, màu xanh vàng của lá dong hay lá chuối, màu xanh ngọc của cốm.
Gạo để làm bánh chưng cốm là cốm khô cùng với gạo nếp ngâm với lá thơm tạo màu xanh cũng như mùi thơm đặc trưng. Nhân bánh chưng cốm thường là nhân ngọt, đỗ xanh được nấu giống chè kho, cũng có thêm thịt nạc bên trong.
4. Bánh chưng chay
Cũng gạo nếp vo kĩ trắng tinh, đỗ xanh xát vỏ đãi cẩn thận. Nhưng bí quyết làm món bánh chưng chay lại nằm ở nhân bánh. Đỗ xanh đồ chín tới, vàng tơi trộn với nấm hương được tẩm ướp kỹ.
Chính những sợi nấm hương vừa thơm vừa đằm làm cho chiếc bánh chưng không thịt mỡ dưa hành tuy nhã đạm nhưng vẫn có một nét duyên riêng đậm đà hương vị.
Theo kinh nghiệm, sau khi bánh chín nên vớt bánh ra và rửa bánh trong nồi nước lạnh cho lớp nhựa hết dính vào lá, để bánh có thể giữ được lâu. Sau đó để bánh lên mặt phẳng, ép 1 – 2 tiếng cho nước ra hết. Bánh chưng chay có thể giữ được hàng tháng nếu rửa sạch và ép cho ráo nước.