Điểm danh những mặt hàng đắt khách nhờ Tết
Bánh chưng có thể dễ dàng mua ở các quầy giò cả quanh năm nhưng chỉ khi Tết đến, món ăn này mới thực sự được nhiều người săn lùng để thưởng thức hoặc làm quà biếu.
Cuối năm thường là thời gian cao điểm mua sắm và chuẩn bị cho những cuộc du xuân sắp tới. Nhiều món đồ thường ngày nằm “ế” hay ít được ngó ngàng tới bỗng trở nên đắt khách. Dưới đây là những món hàng được nhiều người mua nhất trước khi năm hết Tết đến.
1. Bánh chưng
Là một trong những biểu tượng ngày Tết, chỉ cần xuất hiện vài chồng bánh trong các gian hàng giò chả trên phố, nhiều người cũng chợt bâng khuâng với cảm giác xuân về. Quanh năm ăn các món thường nhật với cơm, phở, bún…, chỉ tới dịp này, bánh chưng mới thực sự nổi bật và len lỏi vào tâm trí mỗi người.
Với thành phần chính gồm gạo, đỗ xanh và thịt, mỗi chiếc bánh được gói vuông vức trong lá chuối và luộc chín, mang ý nghĩa tượng trưng cho đất. Nhiều người còn chọn món ăn này làm quà biếu Tết hoặc gửi ra nước ngoài, gọi là chút hương vị quê nhà cho những ai xa quê. Tại Hà Nội, bạn có thể mua bánh chưng ở một số cửa hàng như Giò chả Quốc Hương (Hàng Bông) hay Giò chả Bà Lũy (Trần Xuân Soạn).
2. Hoa quả cúng lễ
Ngày Tết, bàn thờ trong gia đình của người Việt Nam thường bày mâm ngũ quả với những màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Thông thường, 5 loại quả này mang từng ý nghĩa riêng biệt nhưng khi ghép lại thì thành những cái tên hàm ý thịnh vượng.
Mỗi vùng lại có các loại quả khác nhau tùy theo thời tiết và điều kiện tự nhiên. Chẳng hạn ở miền Nam, mâm ngủ quả gồm mãng cầu, dừa (hoặc dưa), đu đủ, xoài, sung với ngụ ý “cầu sung (túc) vừa đủ xài”. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc lại nổi tiếng với bộ “chuối, bưởi, đào, hồng, quýt” hoặc “chuối, ớt, bưởi, quất, lê”. Vài năm gần đây, bưởi còn được thay bằng quả phật thủ.
3. Quần áo
Thời điểm này, hàng loạt thương hiệu thời trang từ cao cấp tới bình dân đua nhau tung các đợt khuyến mãi với tỷ lệ chiết khấu cao, lại thêm dịp cận Tết với nhu cầu đi chơi, hàng loạt chị em phụ nữ và cả nam giới đều nô nức sắm sửa quần áo. Những khu đông vui nhất phải kể đến phố Chùa Bộc, Bà Triệu hoặc Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội).
Một số hệ thống cửa hàng quần áo theo chuỗi như Made In Việt Nam, M2 cũng rất được tín nhiệm và bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên nhiều phố. Các bộ váy hay trang phục lịch sự thường đắt khách hơn cả do phù hợp nhiều hoàn cảnh như chơi Tết, chụp ảnh kỷ niệm.
4. Mứt
Ngoài mâm cỗ với bánh chưng xanh và giò chả, mứt Tết cũng được xem là biểu tượng đặc trưng của dịp năm mới. Xưa kia, khi tới chúc Tết, các gia đình thường không thể thiếu hộp mứt với những khay xinh xinh, đựng đủ loại hương vị khác nhau. Nhiều người còn có thói quen dùng mứt Tết làm quà biếu dịp đầu xuân.
Ngày nay, hộp mứt Tết trong mỗi gia đình cũng dần khác nhau, chủ yếu chỉ có 1-2 loại thay vì cả chục hương vị như trước đây. Bạn có thể mua về ăn hoặc làm quà biếu ở một trong các hãng như Kinh Đô, Hải Hà Kotobuki hay Hữu Nghị với giá dao động 40.000 đồng đến trên 100.000 đồng mỗi loại.
5. Mai, đào, quất
Theo truyền thống, các loại cây trang trí như mai, đào, quất xưa nay đều là biểu tượng báo hiệu Tết về. Vì lẽ này, cứ tới ngày cuối năm, từ hè phố đến các khu chợ đều nhộn nhịp những gốc đào, quất và cả mai xếp ngay ngắn, thẳng hàng để người dân đi chọn. Năm nay do có tháng nhuận, Tết kéo dài tới tận giữa tháng Hai khiến đào xuất hiện trên phố sớm hơn hẳn.
Những loại cây này cũng chỉ ý nghĩa đúng dịp Tết nên dù mới đầu tháng Chạp Âm lịch, rất nhiều người đã rục rịch sắm một cành đào hoặc cây mai, cây quất về trang trí nhà cửa. Tại Hà Nội, bạn có thể ghé các chợ hoa Quảng Bá, Nhật Tân, Tây Tựu… Còn tại Sài Gòn, các hè phố ven kênh quận 8, chợ Hồ Thị Kỷ hay khu Thành Thái thường tập trung nhiều loại hoa Tết, trong đó có mai vàng.
6. Đồ điện máy
Nếu quần áo là những món đồ thu hút sự chú ý của phái nữ dịp Tết về thì điện máy lại là tâm điểm cho những quý ông. Các trung tâm, siêu thị điện máy ở mọi nơi thường tận dụng dịp này để tung khuyến mại. Mặt hàng được ngó ngàng tới nhiều nhất gồm các đồ gia dụng như máy xay sinh tố, nồi lẩu, bếp nướng hay ti vi, điện thoại.
Ngoài các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại (Vincom, Royal City, Times City) cũng là những địa điểm để bạn dễ sắm sửa các món đồ này.