Trồng hoa Tết, nghề vất vả và rủi may
Nông dân trồng hoa Tết từ Quảng Nam chuẩn bị bán ở Huế, ảnh chụp cuối năm 2012.
Nếu như trước đây chừng mười năm, mười lăm năm, nghề trồng hoa Tết mang lại đời sống ấm no, khấm khá cho người trồng hoa thì vài năm trở lại đây, nghề trồng hoa Tết trở nên vất vả, khó khăn, yếu tố rủi may càng lúc càng cao. Theo như nhiều người trồng hoa, một phần do giá cả thị trường tăng, kéo theo giá thành phân tro tăng cao, mọi thứ liên quan đến nghề trồng hoa cũng tăng, phần khác do cơ chế quản lý đất không hợp lý, khiến cho người nông dân trở nên co cụm, mất đất sản xuất. Nghề trồng hoa trở nên khốn khó, nhiều rủi may.
Còn đâu hồn vía ngày xưa
Ông Trần Hà, người trồng hoa lâu năm ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng chia sẻ với chúng tôi rằng khác với nhiều năm trước với cảm hứng dạt dào mỗi khi mùa Thu về, cũng là mùa cắt ngọn, râm đọt hoa cúc, chờ ngày vào chậu mới. Trong giai đoạn này, nhà nhà thi nhau đúc chậu, mong một ngày nắng đẹp để phơi phân hoai, để trộn phân, đất, cát vào với nhau thành một hợp chất mà hoa cúc ưa thích… Rồi sau đó, đúng ngày đúng giờ, lại cho những cây hoa đã bén rễ vào chậu, tưới tắm, chờ ngày cắt ngọn để cây nảy nhiều lộc. Đợi mươi ngày sau, người trồng hoa lại chọn tỉa những nhánh thừa, giữ lại một số nhánh đẹp cho chậu hoa. Những nhánh mới cắt tỉa ra sẽ được trồng xuống đất để lấy hoa chưng bàn thờ… Nói chung là từng công đoạn đều tỉ mẫn, thả hết hồn vía vào đó chờ ngày đơm hoa, kết nụ.
Và chỉ riêng cây hoa cúc, cũng đã có nhiều chủng loại với những cái tên rất dễ thương như cúc móng rồng, cúc đại đóa, cúc phi lê, cúc Đà Lạt, cúc cỏ may, cúc hướng dương, cúc tần ô… Mỗi loài mỗi vẻ, mỗi kiểu sống khác nhau. Ví dụ như cúc đại đóa có hoa to, vàng chóe, thân mập mạp, cao từ một mét đến một mét rưỡi, cúc móng rồng thì có hoa to vừa nhưng cánh hoa nhìn giống như móng rồng giương ra… Nói chung là muôn màu muôn vẻ. Đó là chưa nói đến các loài hoa như thược dược, mãn đình hồng, hoa hồng tía, hoa mẫu đơn, hoa cẩm chướng, tất cả các loài hoa nhú mầm, trẩy hội lá xanh trong vườn làm cho người trồng hoa lâng lâng cảm hứng, quên mọi lo âu, muộn phiền.
Một người trồng hoa lâu năm ở Quảng Nam chia sẻ: “Trước đây trồng hoa Tết thì nó thú vị, hồn vía lắm! Trồng mình chủ yếu là ngắm cái hoa trước khi nó ra hoa, trổ búp, tưới tắm cho nó, ngắm nó đóng lá kép, lá ba lá năm, sau đó nó chớm nụ, ngửi mùa hương tháng chạp,.. nói chung là trồng hoa hồi đó ít có thị trường như bây giờ, bây giờ trồng hoa thị trường quá! Thiệt ra thì cũng phải thị trường thị mới kiếm sống được chứ, nhưng mà hồi đó không có cạnh tranh theo kiểu vô tội vạ, theo kiểu mờ ám như bây giờ. Nhiều khi muốn kiếm chỗ bán hoa cho chạy thì phải đút lót cho cái thằng làm quản lý khu vực mình bán hoa. Trước đó nó phải đấu giá, nó đấu giá thì nó cũng phải đút lót cho quan chức khu vực đó đó, cuối cùng đút lót tầng tầng lớp lớp. Nhiều khi trồng hoa mà cứ thấp thỏm, rồi đây không biết mình bán như thế nào. Mà tình hình thế thì trồng hoa không còn hồn vía nữa. Suốt ngày nhìn hoa thì sợ trời lạnh thì hoa nó nở muộn, trời nắng thì hoa nó nở sớm. Đó là chưa nói mang cây hoa ra tới nơi thì giằng vặt đủ thứ!”
Đó là chuyện của trước đây nhiều năm, trong giai đoạn vài năm gần đây, việc trồng hoa trở nên mất hết hồn vía vì cơ chế chạy đua thuê đất để trồng, chạy đua thuê đất để bán, người trồng hoa, ngoài việc chăm sóc hoa, còn phải chạy đôn chạy đáo với thị trường, thậm chí phải biết đút lót cho các ban dự án Tết, các quản lý công viên, quảng trường để có được vị trí thuận lợi ngồi bán hoa ba ngày Tết. Phần người trồng hoa thì lo chuyện chỗ bán, phần người quản lý địa điểm bán hoa cũng vất vả không kém vì họ phải tìm cách móc thật nhiều tiền của nhà làm vườn bởi trước khi vào làm quản lý các khu hội chợ Tết, quảng trường, công viên, họ phải đấu giá mảnh đất đó, phải đút lót nhiều cửa để có được mảnh đất đó trong mấy ngày giáp Tết. Một khi số tiền bỏ ra không nhỏ, bắt buộc họ phải lấy lại và lấy thật nhiều lãi để bù cho năm sau bỏ phong bì. Cái vòng lẩn quẩn của người trồng hoa không còn dừng ở việc bán hoa ế ẩm hay là giá thành phân tro tăng cao nữa mà còn lan sang vấn đề quản lý hành chính.
Bán chạy chợ
Ông Trần Việt, nhà vườn trồng hoa, trồng quất bán Tết có thâm niên dày trong làng nghề, đã buồn bã nói với chúng tôi là ông quá mệt mỏi với nghề trồng hoa Tết, nhưng bây giờ bỏ thì thương, vươn thì tội, chẳng biết làm gì cho xong với hàng loạt chậu cũ của năm ngoài để lại. Nhiều lúc bán hoa, ông nhận ra đất nước này tham nhũng quá nặng nề, ngay cả chuyện mua một chậu quất hay một chậu mai chưng Tết ở cơ quan nhà nước, người ta cũng ăn một cách không thương tiếc. Như năm ngoái, hoa cúc và quất của vườn ông Việt phân bố ở ba tỉnh gồm Quảng Nam, Đà nẵng và Thừa Thiên – Huế. Ở cả ba tỉnh này, ông đều gặp trường hợp các phòng giáo dục, các văn phòng nhà nước đến mua hoa về chưng cơ quan. Lúc mua, người ta trả chác từng đồng lẻ, nhìn cách trả chác của người mua, người bán chỉ còn nước ứa nước mắt. Nhưng đến khi mua xong, họ yêu cầu ông xuất hóa đơn, ông nói rằng mình không phải là doanh nghiệp, làm gì có hóa đơn. Họ yêu cầu ông chỉ việc ký vào hóa đơn của họ đã chuẩn bị, một chậu quất ông bán với giá năm trăm ngàn đồng được thổi thành năm triệu đồng. Sau khi ký hóa đơn như thế, người mua hoa trích bớt cho ông hai trăm ngàn đồng.
Ban đầu ông Việt rất khó chịu vì chuyện này, bởi ông luôn tâm niệm dù sao nghề trồng hoa cũng là nghề chân chính, đậm chất nghệ sĩ, không thể nào xôi thịt và gian trá hoặc đồng lõa với gian trá được. Nhưng rồi trong vài ngày, thị trường hoa ế ẩm, nguy cơ chở chậu về nhà thấy trước mắt, ông Việt chẳng còn cách nào khác là mong các cơ quan nhà nước mua hoa nhiều nhiều để dân trồng hoa bớt khổ. Mặc dù mong như vậy cũng đồng nghĩa với mong những đồng tiền mồ hôi và nước mắt của ông cùng đồng bào mình bị cắt xén, biển thủ, phù phép một cách đáng kinh tởm. Nhưng ngày hết, Tết đến, mua nhì nhằng, hoa ế ẩm, ông Việt còn biết mong gì ngoài các cán bộ đến mua hoa cho cơ quan, khi mà kinh tế èo ọp, người dần đa phần sắm Tết không nổi. Nói đến đây, gương mặt ông Việt buồn xo… Mùa tháng Mười âm lịch, cũng là mùa nhà nông, nhà vườn vào cuộc với niềm hy vọng vừa phơi phới vừa mơ hồ nỗi niềm tháng Chạp khói sương. Có xử sở nào mà người nông dân, người làm vườn luôn đánh đu giữa chân thật với toan tính, giữa nếp truyền thống đậm hồn quê kiểng với mọi hiểm nguy rình rập bởi đất đai thu hẹp, cơ chế quản lý bất cập, nhũng nhiễu và luôn làm khổ người nông dân như Việt Nam?!